Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

CÓ NÊN CHO BÉ HỌC TIẾNG ANH SỚM???


Đối với trẻ nhỏ thì Tiếng Việt cũng là ngoại ngữ khi chúng nó còn nhỏ. Bởi vậy cũng không có vấn đề gì nếu cha mẹ muốn trẻ tiếp xúc với tiếng Anh song song với tiếng mẹ đẻ.
Băn khoăn của các bậc cha mẹ: CÓ NÊN CHO BÉ HỌC TIẾNG ANH TỪ SỚM
Tầm quan trọng của tiếng Anh thì ai cũng biết. Đó là là ngôn ngữ phổ thông thứ ba trên thế giới, là ngôn ngữ bản địa của khoảng 402 triệu người và ngày càng được nhiều người sử dụng (theo Wikipedia).
Tuy nhiên, tiếng Anh vốn là một môn học tương đối “khó nhằn” nên hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn đầu tư sâu cho con cái trong lĩnh vực này. Vì hành trang của môn học này sẽ theo trẻ cho đến khi trưởng thành và có thể là vốn liếng quan trọng cho cuộc sống. Nhưng thời điểm nào nên bắt đầu cho con học tiếng Anh là điều các bậc cha mẹ rất băn khoăn.

CÓ NÊN CHO BÉ HỌC TIẾNG ANH SỚM???

Chị Lan (Hoàng Mai – Hà Nội) chia sẻ:“Mình rất băn khoăn không biết có nên cho con đi học tiếng Anh sớm không? Các bé khác cùng lứa 4 tuổi như con mình đều đã đi học ở các trung tâm Anh ngữ cho trẻ em.”
Chị Việt Hoa (Ba Đình – Hà Nội) cũng rất băn khoăn điều này vì chị cũng nhận được nhiều lời khuyên nên cho con học tiếng Anh càng sớm càng tốt, từ trước khi vào lớp 1 (hoặc học song song với tiếng Việt)... Nhưng chị lại lo nhỡ nhồi nhét con quá làm con sợ học. Chị nói: “Như thời của chúng tôi, lên cấp 2, cấp 3 mới được làm quen với bộ môn tiếng Anh mà vẫn học tốt, vẫn làm việc, giao tiếp tốt với các chuyên gia nước ngoài đấy thôi.
Điển hình như người Việt Nam đầu tiên đạt điểm TOEIC tuyệt đối với số điểm 990/990.  là sinh viên Trương Công Lý, năm cuối ĐH Kinh tế TP HCM  cũng chỉ mới bắt đầu học tiếng Anh từ năm học cấp 3.”
Những băn khoăn của cha mẹ là rất thực tế. Theo các chuyên gia, độ tuổi cho trẻ học tiếng Anh không ảnh hưởng đến chất lượng học của trẻ. Tiếng Anh là một môn học đòi hỏi sự đam mê, yêu thích, không được ép buộc thì việc học mới có hiệu quả.
Chúng ta có thể ngạc nhiên khi bước vào một lớp học Anh ngữ cho trẻ em do người nước ngoài giảng dạy nhưng lại thấy rất lộn xộn vì trẻ đang được bày chơi trò chơi. Song việc học như thế phù hợp với lứa tuổi trẻ, mang đến sự tiếp thu và niềm yêu thích môn học rất hiệu quả cho trẻ.
Đối với trẻ nhỏ thì Tiếng Việt cũng là ngoại ngữ khi chúng nó còn nhỏ. Bởi vậy cũng không có vấn đề gì nếu cha mẹ muốn trẻ tiếp xúc với tiếng Anh song song với tiếng mẹ đẻ. Điều này giống như việc đưa trẻ vào một môi trường ngôn ngữ để tự chúng xoay sở dần dần.

Nếu gia đình có điều kiện, bố mẹ có thể cho con tham gia những lớp học tiếng Anh ngắn hạn từ khi trẻ 3-4 tuổi. Một khoá học tiếng Anh ngắn hạn bắt đầu bằng Nghe và Nói để giúp bé phản xạ tốt. Điều này không chỉ giúp bé có thể làm quen với môn tiếng Anh mà còn giúp bé tự tin, sôi nổi, bạo dạn hơn trong giao tiếp. Đó là những ưu điểm mà bộ môn này mang lại.
Nhưng nếu trẻ chỉ được làm quen với môn tiếng Anh khi bắt đầu vào tiểu học thì cha mẹ cũng không quá lo lắng bởi phản xạ học tiếng Anh ở các trẻ khác nhau. Nếu có kĩ năng và phương pháp tốt thì trẻ cũng vẫn bắt kịp được với các bạn cùng trang lứa.

Cuộc sống hiện đại tạo điều kiện cho trẻ có nhiều cơ hội tiếp cận với ngôn ngữ này. Nếu trẻ mới học tiếng Anh thì cha mẹ hãy ưu tiên cho trẻ học Nghe và Nói chứ đừng chú trọng tới ngữ pháp trước. Trẻ học ngoại ngữ cũng như cách thức học tiếng mẹ đẻ: bắt đầu bằng nghe hiểu qua ngữ cảnh rồi nói sau đó mới đọc- viết để luyện thành kĩ năng.
Cha mẹ có thể cho bé làm quen với tiếng Anh qua các bài hát, câu chuyện kể, các đĩa IQ cho bé bằng tiếng Anh, giúp bé phát âm chuẩn và tiếp thu tiếng Anh một cách tự nhiên nhất. Có thể tạo môi trường tiếng Anh cho trẻ bằng cách cho con xem chương trình tiếng Anh, giao tiếp với người nước ngoài…


Theo Afamily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét